Support Online
 
 
 

Bệnh tâm thần phân liệt


 

Video minh họa bệnh tâm thần phân liệt

 

phong kham tam than

Tâm trạng con người bị chia cắt thành nhiều mảng

nên mất sự thống nhất trong hoạt động tâm thần

 

1. Đại cương về bệnh Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một bệnh tâm thần nặng, tương đối phổ biến, căn nguyên chưa rõ, tiến triển và tiên lượng rất khác nhau và bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi trẻ thường gặp hơn cả. Theo tiếng Hy Lạp: Schizo có nghĩa là chia cắt, phân rời và phrenia có nghĩa là tâm hồn, tâm thần.

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một đơn vị bệnh lí độc lập, người ta có thể định nghĩa như sau: “ Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa rõ, bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác và cảm xúc, dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý và nhân cách theo kiểu phân liệt, nghĩa là mất dần tính hài hoà, thống nhất gây ra chia cắt trong các mặt hoạt động tâm thần”.
Ngày nay, một số nhà tâm thần học trên thế giới lại cho rằng TTPL là một nhóm bệnh lý hay một nhóm các hội chứng phân liệt.
R. Breen (2001) cho rằng: TTPL là các rối loạn đặc trưng bởi các rối loạn tư duy, cảm xúc và hành vi bao gồm những triệu chứng dương tính và âm tính
+ Các triệu chứng dương tính như: hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực…
+ Các triệu chứng âm tính như: cảm xúc cùn mòn, vô cảm, thu hẹp các mối quan hệ xã hội, thu mình lại, giảm các thích thú và ngôn ngữ nghèo nàn.
2. Lâm sàng bệnh tâm thần phân liệt.
2.1. Các triệu chứng trong bệnh tâm thần phân liệt
Các triệu chứng trong bệnh TTPL là rất đa dạng, phong phú và phức tạp, luôn luôn biến đổi, nhưng đa số các tác giả đều thống nhất chia 2 loại triệu chứng gòm: các triệu chứng âm tính và dương tính.
2.1.1. Các triệu chứng âm tính trong bệnh tâm thần phân liệt
Các triệu chứng âm tính là thể hiện sự tiêu hao, mất mát các hoạt động tâm thần sẵn có và mất tính toàn vẹn, thống nhất của hoạt động tâm thần. Theo quan điểm của P.E. Bleuler triệu chứng âm tính là nền tảng của quá trình phân liệt. Các triệu chứng âm tính gồm 2 loại chủ yêu: thiếu hoà hợp, tự kỷ và giảm sút thể năng tâm thần.
+ Tính thiếu hoà hợp:
Biểu hiện bằng 5 tính chất chung: tính 2 chiều trái ngược, tính dị kỳ khó hiểu, tính khó thâm nhập, tính phủ định và tính tự động. Tính thiếu hoà hợp thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động tâm thần nhưng rõ nét nhất là 3 mặt hoạt động chính như: tư duy, cảm xúc, hành vi tác phong. Tính tự kỷ cũng mang tính chất như trên ở mức độ cao hơn, nổi bật là tính dị kỳ khó hiểu, khó thâm nhập.
Con người tự kỷ là con người dị kỳ, khó thâm nhập biểu hiện đa dạng, khi thì đạo mạo, đài các, khi thì thô bạo. Thế giới tự kỷ là thế giới bên trong riêng biệt của bệnh nhân hết sức kỳ lạ, đi vào thế giới nội tâm, vào thế giới bên trong với các quy luật tự nhiên và xã hội đều bị đảo lộn và người bệnh hiểu và làm những điều kỳ dị không ai có thể hiểu được.
+ Giảm sút thế năng tâm thần:
Giảm thế năng tâm thần là giảm tính năng động, tính nhiệt tình trong mọi hoạt động tâm thần. Biểu hiện cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh, tư duy ngày càng nghèo nàn, ý chí ngày càng suy đồi, hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì.
2.1.2. Các triệu chứng dương tính
Là những triệu chứng xuất hiện trong quá trình bị bệnh. Triệu chứng dương tính rất đa dạng và phong phú, luôn luôn biến đổi, xuất hiện nhất thời và mất đi hoặc thay thế bằng những triệu chứng dương tính khác.
2.2. Các triệu chứng âm tính và dương tính trong tâm thần phân liệt
Đều biểu hiện trong các mặt hoạt động tâm thần. Mối liên quan giữa các triệu chứng âm tính và dương tính phụ thuộc vào các thể tiến triển của bệnh TTPL, bệnh càng nặng thì các triệu chứng âm tính càng nhiều.
2.2.1. Về tư duy
Rối loạn cả về hình thức và nội dung tư duy, ngôn ngữ của người bệnh thường sơ lược, tối nghĩa, ẩn dụ, khó hiểu và thường có những lời nói ngắt quãng hoặc thêm từ lạ. Dòng tư duy của bệnh nhân nhanh hoặc chậm, nói một mình hoặc không nói hoặc có cơn nói liên hồi hoặc nói đầu gà đuôi vịt, hỗn độn hoặc nói lặp đi lặp lại.
Hai nét đặc trưng nhất của rối loạn tư duy là hội chứng tâm thần tự động và hoang tưởng bị chi phối, những ý nghĩ và hành vi sâu kín nhất dường như bị người khác đánh cắp. Người bệnh thường phàn nàn bị chi phối bằng các máy móc như: máy vô tuyến điện, máy ghi âm, máy điều khiển từ xa và có trường hợp thấy mình bị chi phối bằng phép thuật hoặc thôi miên bằng một sức mạnh siêu nhiên.
2.2.2. Về tri giác
Đặc trưng lớn nhất là ảo thanh bình phảm hoặc thảo luận vớinhau về hành vi của bệnh nhân hoặc đe doạ, cưỡng bức hoặc ra lệnh làm những việc nguy hiểm cho bệnh nhân và xã hội và cũng có thể gặp ảo giác thị giác, ảo khứu hoặc ảo xúc giác nhưng hiếm hơn. Một số bệnh nhân khác gặp rối loạn cảm giác bản thể, giải thể nhân cách hoặc biến hình bản thân như không có tim phổi, chân tya dài hoặc ngắn lại và có những suy nghĩ tác phong mình biến đổi, cái “tôi” đã biến mất.
2.2.3. Về cảm xúc
Những thay đổi cảm xúc thường xuất hiện sớm, đặc trưng là cảm xúc cùn mòn, khô lạnh, lạnh nhạt, bàng quan và người bệnh mặc cảm với những người xung quanh, không hào hứng với những thú vui trước đây vốn có. Cảm xúc trái ngược hoặc cảm xúc 2 chiều vừa yêu lại vừa ghét đối với một người hoặc một hiện tượng. Người bệnh thường hằn học với mọi người, xa lánh người thân và đôi khi xuất hiện những cảm xúc đột biến như: cơn khóc, cơn cười vô duyên cớ hoặc cơn lo sợ, giận dữ và có cơn trầm cảm hoặc cơn hưng phấn.
2.2.4. Về tâm lý vận động
Có nhiều loại rối loạn nhưng đặc trưng là căng trương lực biểu hiện bằng 2 trạng thái kích động và bất động xen kẽ nhau. Trang thái kích động biểu hiện bằng lời nói và động tác định hình (kiểu cách định hình như nhún vai, nhếch mép, xua tay), hành vi dị kỳ khó hiểu (trời rét cới trần ra tắm) và có thể có xung động tấn công hoặc xung động đốt nhà hoặc giết người. Trạng thái bất động biểu hiện bằng sững sờ, giữ nguyên dáng và uốn sáp, tạo hình.
2.2.5. Rối loạn ý chí
Người bệnh mất sáng kiến, mát vận động cơ và hoạt động không hiệu quả, thói quen nghề nghiệp cũ mất dần và không thiết làm gì, đời sống ngày càng suy đồi không chú ý đến vệ sinh thân thể và nằm một chỗ không hoạt động.
3. Điều trị
3.1. Liệu pháp hoá dược
+ Hoá dược là liệu pháp thông dụng và có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt . Việc lựa chọn từng loại thuốc và liều lượng thuốc phù hợp với triệu chứng lâm sàng, thể bệnh và khả năng dung nạp của mỗi cá thể. Thông thường người ta sử dụng chủ yếu là các thuốc an thần kinh, nhưng các thuốc bình thần, các thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc điều hoà khí sắc cũng được sự dụng.
+ Chú ý sử dụng các loại thuốc khác:
- Sử dụng các thuốc chống trần cảm cần thận trọng, vì có thể hoạt hoá các ảo giác và hoang tưởng dẫn đến tự sát.
- Các thuốc điều hoà khí sắc có tác dụng tốt trong dự phòng các đợt tái phát, nhất là các thể rối loạn cảm xúc.
- Các thuốc chống Parkinson cũng cần được sử dụng hợp lý.
3.2. Liệu pháp sốc điện
Ngày nay, các chỉ định của liệu pháp sốc điện đã thu hẹp một cách đáng kể, song đối với bệnh TTPL còn được chỉ định trong những trường hợp sau:
+ TTPL thể căng trương lực.
+ Trạng thái kích động mạnh của TTPL.
+ Các bệnh nhân có hành vi tự sát.
+ Các trường hợp kháng điều trị nói chung.
3.3. Liệu pháp tâm lý - xã hội
Trước 1960, do tác dụng hạn chế của các liệu pháp tâm lý cá nhân nên việc sử dụng liệu pháp tâm lý - xã hội đối với TTPL không được chú ý nhiều. Vào những năm 1980, cùng với hiệu quả của việc sử dụng thuốc chống tâm thần, nhiều nhà lâm sàng xem liệu pháp tâm lý - xã hội như là phương tiện hỗ trợ dễ chịu.
Về cơ bản liệu pháp tâm lý - xã hội đối với TTPL được chia làm 3 dạng:
+ Can thiệp gia đình.
+ Luyện tập kỹ năng.
+ Phục hồi nhận thức.
Can thiệp gia đình đã được nghiên cứu nhiều và sử dụng có hiệu quả cả ở thời kỳ đầu và thời kỳ sau. Luyện tập kỹ năng xã hội cũng có nhiều hứa hẹn. Riêng lợi ích của phục hồi nhận thức thì chưa rõ ràng.
Nghiên cứu của May P.A. (1968) cho thấy, thuốc chống loạn thần kết hợp với liệu pháp tâm lý đạt hiệu quả cao hơn so với liệu pháp sốc điện (ECT) , còn ECT cao hơn so với liệu pháp môi trường và liệu pháp tâm lý riêng biệt.
Cho đến nay, nhiều tác giả đã khẳng định: các liệu pháp tâm lý xã hội giúp kéo dài thời gian ổn định, hạn chế số lần tái phát cũng như mức độ cấp tính và giảm liều thuốc củng cố ngoại trú đối với bệnh nhân TTPL.


Liên Hê. ThS.Bs Đinh Hữu Uân 0913511475