Support Online
 
 
 

Tự sát


1.1 Khái niệm về tự sát
Khái niệm về tự sát có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp hơn. Theo nghĩa rộng, tự sát là một hoạt động, xung động hành vi tự hủy hoại bản thân, theo nghĩa hẹp, tự sát là một hành động tự hủy hoại bản thân nhằm cướp đi mạng sống một cách mạnh mẽ, chủ ý có ý thức và cái chết là kết quả cuối cùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì tự sát như một hoạt động trong đó nạn nhân tìm đủ cách huỷ hoại bản thân với cường độ mạnh hoặc yếu để cướp đi mạng sống, có sự tham gia của ý thức nạn nhân. Báo cáo số 46 của Tổ chức Y tế thế giới (1993), phân chia tự sát thành 3 loại:
- ý định tự sát: thể hiện ngay trong ý nghĩ nhưng chưa  thành hành động.
- Hành vi tự sát: bao gồm các hành vi khác nhau của tự sát để giết chết bản thân nhưng không thành công. Các hành vi này đe doạ tính mạng của nạn nhân mà không có sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài.
- Tự sát thành công: là bất kỳ tử vong nào là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của hành vi chủ động hoặc bị động được thực hiện bởi chính nạn nhân và chính nạn nhân biết rằng hành vi đó sẽ tạo ra cái chết.
Theo khái niệm này, thuật ngữ tự sát bao hàm:
- Chỉ áp dụng trong trường hợp chết.
- Làm công việc nguy hiểm dẫn đến cái chết nếu nạn nhân biết trước được hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của công việc đó.
- Trong trường hợp nạn nhân từ chối chăm sóc một cách có ý thức như nhịn đói, từ chối điều trị … mà cái chết là hậu quả cuối cùng.
1.2. Các giả thuyết giải thích hành vi tự sát
Có nhiều tác giả cố gắng giải thích nguyên nhân của hành vi tự sát, trong đó đáng chú ý là:
- Các giả thuyết sinh học cho rằng hành vi tự sát là bệnh lý của nhận thức, tư duy hoặc quá trình tưởng tượng.
- Các giả thuyết tâm lý cho rằng hành vi tự sát là triệu chứng của rối loạn nhân cách.
- Các giả thuyết phân tích tâm lý cho rằng hành vi tự sát là một xung đột vô thức gây ra bởi một số  nguyên nhân bên ngoài.
- Các giả thuyết xã hội, theo đó hành vi tự sát xuất hiện như một hành động trốn chạy thực tại.
- Một số giả thuyết khác cho rằng hành vi tự sát là một hiện tượng tự nhiên như sinh ra và chết đi.
2. Lâm sàng của hành vi tự sát
2.1. Các phương thức thực hiện hành vi tự sát
Năm 1988, Davidson.F nghiên cứu 537 trường hợp hành vi tự sát và nhận thấy rằng: uống thuốc độc tự sát chiếm tỷ lệ rất lớn là 91%. Hay sử dụng nhất là thuốc ngủ (33%), thuốc bình thần (26%), thuốc giảm đau (19%).
Hành vi gây thương tích chiếm 5 – 15% trong toàn bộ các trường hợp hành vi tự sát đã quan sát được ở các bệnh viện đa khoa nước Anh. Tự cắt mạch máu chiếm tỉ lệ 4/5 trong tổng số các trường hợp. Các hình thức khác của tự gây thương tích như: nhảy lầu, lao vào phương tiện giao thông đang chạy, hoặc nhảy xuống nước…
Tại các bệnh viện tâm thần ở nước ta số ca bệnh nhân tự sát thành công hoặc hành vi tự sát thì phương thức thực hiện thường dùng dây thắt cổ hoặc dùng thuốc hướng thần quá liều.
2.2. Sự tái phát của hành vi tự sát
Nghiên cứu các bệnh nhân nội trú có hành vi tự sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy: có tới 40 – 50% số bệnh nhân sẽ lặp lại hành vi tự sát. 12 – 40% sẽ lặp lại hành vi này trong năm đầu và 12- 16% tổng số bệnh nhân sẽ có ít nhất 5 lần thực hiện hành vi tự sát. Khoảng thời gian nguy cơ cao nhất tái phát là 6 tháng sau khi thực hiện hành vi tự sát, đặc biệt là 3 tháng đầu. (Hawton.K 1991).
Theo Gelder.M (1988), có 3 loại tái phát hành vi tự sát: Tái phát một lần duy nhất, tái phát nhiều lần trong thời gian khi vấn đề nhiễu tâm của bệnh nhân chưa được giải quyết, loại thứ 3 tái phát nhiều lần trong thời gian dài như một thói quen khi có các sự kiện chấn thương tâm lý.
Theo Bùi Quang Huy (1999), 33,2% số bệnh nhân có tái phát hành vi tự sát, trong đó 22,3% có tái phát một lần, 7,3% có hai lần, còn lại là có từ ba lần tái phát hành vi tự sát trở lên.
2.3. Sự chuẩn bị cho hành vi tự sát
Theo Gelder.M (1998), dấu hiệu sỗ sàng nhất của sự chuẩn bị cho tự sát là sự thông báo trực tiếp của nạn nhân về xung động tự sát. Nhiều người đã nói ra ý định tự sát của mình nhưng không thực hiện hàn vi này. Ngược lại 2/3 số người có ành vi tự sát đã nói với một số người về ý định của họ. Trong bất kỳ trường hợp nào các bệnh nhân đe dọa tự sát theo kiểu lặp đi lặp lại sẽ có ý định tự sát tới cùng.
Theo Davidson.F (1998), 52% số người có hành vi tự sát đã không chuẩn bị gì cho việc này và không nghĩ đến tự sát trước đó. Khoảng 1/4 số người có hành vi tự sát đã nghĩ tới việc này 2 tháng trước khi thực hiện nó. 24% số bệnh nhân đã chuẩn bị cho tự sát bằng cách chuẩn bị thuốc độc hoặc viết thư tuyệt mệnh.
2.4. Vai trò của chấn thương tâm lý trong hành vi tự sát
Chấn thương tâm lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành vi tự sát. Schneider.P (1954), nhận thấy chấn thương tâm lý gặp ở 2/3 số nam giới và 4/5 số nữ giới có hành vi tự sát theo, theo Peykel (1975), so sánh trong nhân dân nói chung những người có hành vi tự sát có vấn đề căng thẳng trong cuộc sống trong 6 tháng cuối cùng trước khi có hành vi tự sát. Các chấn thương tâm lý khác nhau nhưng các lần cãi nhau gần đây với vợ (chồng), với bạn trai (gái), là hay gặp nhất. Các sự kiện khác bao gồm mất hy vọng hoặc chia sẻ với bạn tình, bệnh tật của thành viên trong gia đình, bệnh cơ thể của nạn nhân, và bị tòa án gọi ra trong thời gian gần đây. Nói chung sự kiện thuận lợi cho hành vi tự sát là các vấn đề tâm lý kéo dài, liên quan đến hôn nhân, trẻ em công việc và sức khỏe.
Theo Bùi Quang Huy (1999), 50,8% số trường hợp hành vi tự sát có mâu thuẫn gia đình, 7,8% có mâu thuẫn tại nơi làm việc, và 39,9% không tìm thấy chấn thương tâm lý.
2.5. Các rối loạn tâm thần gây ra tự sát
Rối loạn tâm thần là nguyên nhân quan trọng nhất của tự sát. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 95% số trường hợp có rối loạn tâm thần ngay tại thời điểm tiến hành tự sát. Hay gặp nhất là rối loạn trầm cảm (64%), nghiện rượu (15%), và bệnh tâm thần phân liệt (5 – 10%).
- Rối loạn trầm cảm.
Vai trò của trầm cảm được khẳng định do tỷ lệ cao của các hành vi tự sát ở bệnh nhân trầm cảm, tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân trầm cảm đã được xác định là 400/100.000 bệnh nhân nam và 180/100.000 bệnh nhân nữ. Các bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát thường chưa kết hôn, ly dị hoặc góa bụa. Các bệnh nhân này thường ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi.(Kaplan.H.I 1994).
Một số nhà nghiên cứu khác chỉ ra rằng trên 1/3 số bệnh nhân trầm cảm đã tự sát sau khi ra viện trong vòng 6 tháng. Các bệnh nhân trầm cảm có tỷ lệ tự sát lớn hơn nhân dân nói chung 30 lần.
Theo Bùi Quang Huy (1999), có 72,5% số bệnh nhân có hành vi tự sát là trầm cảm.
Theo Nguyễn Hữu Kỳ  (1996), có 32,6% bệnh nhân có hành vi tự sát là trầm cảm.
- Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt chỉ chiếm 2 – 15% số bệnh nhân tự sát, tự sát trong bệnh nhân tâm thần phân liệt hay gặp bệnh nhân nam giới, tuổi trẻ, mới bị bệnh, nhất là khi có triệu chứng trầm cảm.
Theo Kaplan.H.I (1994), gần 50% số bệnh nhân tâm thần phân liệt có hành vi tự sát và 15% bệnh nhân chết vì tự sát. Nguy cơ tự sát cao ở thể Paranoid và đặc biệt ở giai đoạn khởi phát .
Nguyên nhân tự sát trong Tâm thần phân liệt:
- Khủng hoảng tâm lý
- Tự sát không có động cơ, thường xuất phát trong giai đoạn khởi phát của bệnh.
- Tự sát vô cớ gặp trong thể thanh xuân và thể căng trương lực
- Tự sát là do ảo thanh gây ra lệnh cho bệnh nhân
- Tự sát do phản ứng có ý thức của bệnh nhân bị bệnh nặng
- Tự sát do trầm cảm (Predescu.V 1983).
Theo Kaplan.H.I (1994), tự sát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt cao gấp 21 lần so với nhân dân nói chung.
Một số tác giả khác lại cho rằng tự sát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thường do phẳng lặng cảm xúc hoặc có cảm xúc không ổn định. Các triệu chứng trầm cảm phối hợp được biểu hiện ở 1/3 số bệnh nhân tâm thần phân liệt chết do tự sát và một tỷ lệ nhỏ hơn có hoang tưởng ảo giác. Theo Bùi Quang Huy (1999) Tâm thần phân liệt chiếm 7,3% số bệnh nhân có hành vi tự sát.
- Nghiện rượu
Murphy.G.E(1986), cho rằng sau trầm cảm, nghiện rượu có tỷ lệ tự sát cao. Bệnh nhân nghiện rượu tự sát thường là người sống độc thân, bị cô lập về xã hội. 2/3 số bệnh nhân nghiện rượu có hành vi tự sát là có triệu chứng trầm cảm phối hợp, tự sát ở người nghiện rượu thường xuất hiện sau một thời gian sử dụng rượu, thường là từ 10 đến 20 năm và hay gặp ở tuổi 30 – 60.
Tỷ lệ tự sát ở người nghiện rượu lớn hơn 200 lần so với người không uống rượu.
Những loại hành vi tự sát hay gặp trong nghiện rượu:
- Tự gây thương tích
- Tự sát không động cơ
- Tự sát trong trạng thái bệnh mạn tính
- Tự sát do trầm cảm.
Theo một số tác giả, người nghiện rượu hay sử dụng biện pháp bạo lực cho hành vi tự sát như dùng súng, thắt cổ, gây thương tích( Daniel K. Flavin 1990)