Support Online
 
 
 

BỆNH TÂM THẦN Ở NGƯỜI CAO TUỔI


MỘT SỐ BỆNH TÂM THẦN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

1. Khái niệm.
Một nhóm các bệnh và hội chứng khởi phát ở lứa tuổi trước tuổi già (50 – 65 tuổi), hoặc tuổi già (sau 65 tuổi), căn nguyên và cơ chế bệnh sinh chưa rõ hoàn toàn, việc phân định thành các đơn vị bệnh lý độc lập chưa thống nhất, tạm gọi là các bệnh tâm thần ở người cao tuổi (hoặc người có tuổi).
Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới xem những người từ 60 tuổi trở lên là những người cao tuổi và người già. Ngày nay quan điểm chung cho những người từ 65 tuổi trở lên là người già.
Các bệnh nhân tuổi già có nhiều rối loạn chức năng và thực thể đa dạng và mãn tính. Tuy nhiên, không có vấn đề nào là không thể giúp đỡ và can thiệp. Cần thiết phải nhận biết đầy đủ các yếu tố nội ngoại khoa, tâm thần, tâm lý xã hội và văn hoá phức tạp ở người già để có một chiến lược điều trị thích hợp.
Ngành Tâm thần học lão khoa (Psychogeriatry) có nhiệm vụ nghiên cứu bệnh nguyên, bệnh sinh, các biểu hiện lâm sàng của các bệnh tâm thần phát sinh ở người cao tuổi để tìm ra các biện pháp dự phòng và điều trị
2. Một số bệnh tâm thần ở người cao tuổi.
2.1. Trầm cảm tuổi già:
Khoảng 20% người già được ghi nhận là có ít nhất một triệu chứng của trầm cảm. Tuy vậy chỉ có 2 – 3% là có đủ các triệu chứng của trầm cảm điển hình.
Các yếu tố nguy cơ là: nữ giới, tiền sử có bị trầm cảm lo âu hay nhân cách ám ảnh, đau mãn tính, các dị tật về cơ thể, các stress gần đây hoặc các khó khăn trong các mối quan hệ xã hội hoặc điều kiện kinh tế.
Trầm cảm có thể bị thúc đẩy bởi một số bệnh cơ thể đặc biệt (ung thư, đột quỵ, các bệnh thoái hoá thần kinh) hoặc dùng một số thuốc.
Nguy cơ tự sát ở nhóm người này rất cao, đặc biệt ở những người sống độc thân.
Đặc điểm lâm sàng gồm các biểu hiện thông thường của trầm cảm như giảm khí sắc kéo dài, mất quan tâm thích thú, lo âu hoặc kích động. Chậm chạp trong suy nghĩ và vận động, than phiền là khó tập trung và giảm trí nhớ, bi quan, chán nản, không muốn tham gia các hoạt động xã hội, mệt mỏi, mất ngủ, ăn mất ngon và sút cân. Các hoang tưởng nghi bệnh, bị mất cắp hay tự buộc tội cũng thường gặp. Hiếm gặp các ảo giác, thường là các tri giác nhầm.
2.2. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Do rối loạn cảm xúc lưỡng cực điển hình thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hoặc trung niên, do đó hầu hết các bệnh nhân hưng cảm tuổi già thường có những giai đoạn rối loạn cảm xúc trước đó. Tuy nhiên, hưng cảm có thể xuất hiện ở tuổi muộn, hoặc là dưới dạng một giai đoạn đơn thuần hoặc là một phần của thể tái phát. Hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực và hưng cảm đơn cực xuất hiện sau tuổi 50 được giả định là có nguồn gốc thực tổn cho đến khi chứng minh được là có nguồn gốc khác.
Các bệnh nhân hưng cảm và hưng cảm nhẹ biểu hiện điển hình là: tăng quá mức hoạt động và tư duy dồn dập, tư duy phi tán, mất ngủ, giảm khả năng kiềm chế và kém điều chỉnh bản thân. Cảm xúc thường là dễ bị loạn cảm hơn là khoái cảm. Các hoang tưởng và ảo giác có thể gặp trong các trường hợp nặng.
Thường thì bệnh nhân cần phải nhập viện. Các thuốc chống loạn thần không điển hình được chỉ định, nếu cần bổ sung thêm một liều nhỏ thuốc benzodiazepine.
Các thuốc ổn định khí sắc được dùng trong giai đoạn cấp diễn và còn để dự phòng.
2.3. Các rối loạn lo âu
Hầu hết người già đã từng bị lo âu, các rối loạn lo âu xuất hiện cấp diễn khi có các bệnh cơ thể, tang tóc, trộm cắp, các biến động trong gia đình. Các triệu chứng bao gồm mất ngủ đau đầu, run, tim đập nhanh, đau quặn ruột, thở nhanh. Các cơn hoảng sợ dễ bị chẩn đoán nhầm là cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Các bệnh nhân lo âu đòi hỏi thời gian và sự trấn an. Các giai đoạn nhẹ thường thoái triển một cách tự phát. Các bệnh liên quan đến sự né tránh lo âu hoặc các cơn hoảng sợ thì đòi hỏi một sự can thiệp tích cực. Các thuốc giải lo âu nên tránh nếu có thể để đề phòng việc ngã và sự phụ thuộc. Các chọn lựa tốt hơn bao gồm việc giải thích hợp lý, tập luyện thư giãn. Khi cần thiết có thể sử dụng một thuốc benzodiazepine.
2.4. Rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt
Một số người già sống cô đơn thiếu lòng tin luôn cho rằng có người khác không thích mình và lợi dụng mình. Dạng nhân cách này gây ra nhiều sự tranh cãi với gia đình, bạn bè và hàng xóm, và sự cách biệt ngày càng tăng. Trong các trường hợp nặng bệnh nhân sống trong một tình trạng bẩn thỉu, ổ chuột và từ chối sự giúp đỡ. Mô hình này có thể là biểu thị cho giai đoạn sớm nhất của rối loạn hoang tưởng. Rối loạn này là không phổ biến, phát triển trong nhiều tháng hay nhiều năm. Các hoang tưởng thường tầm thường và không hệ thống.
Các ảo giác dai dẳng kết hợp với các triệu chứng trên làm hướng tới chẩn đoán tâm thần phân liệt (TTPL).
TTPL hiếm khi xuất hiện lần đầu tiên ở lứa tuổi già. Một khi đã xuất hiện thì các căn nguyên thực tổn cần phải được xem xét. Mê sảng, sa sút trí tuệ và rối loạn cảm xúc cũng cần phải được chẩn đoán phân biệt.
Hầu hết người già TTPL có khởi phát bệnh từ hàng chục năm trước. Một số vẫn còn các triệu chứng loạn thần hoạt hoá song thường là các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế như bàng quan, cùn mòn cảm xúc, tư duy nghèo nàn và khả năng điều chỉnh kém. Tính phức tạp ở các bệnh nhân cao tuổi là dễ bị các triệu chứng phụ do các thuốc chống loạn thần gây ra, do việc sử dụng quá nhiều thứ thuốc.
Việc khám xét cơ thể và các xét nghiệm cận lâm sàng thích hợp là cần thiết. Các thuốc chống loạn thần mới hơn thường được ưa chuộng. Các thuốc có cường lực thấp như chlopromazine và thioridazine thường gây ngủ, hạ huyết áp khi thay đổi tư thế có thể dẫn đến ngã và gãy xương. Các thuốc có cường lực mạnh như trifluoperazine và haloperidole gấy ra các triệu chứng phụ ngoại tháp cũng có thể dẫn đến ngã. Risperidone, olanzapine và các thuốc mới tương tự thì an toàn hơn. Clozapine là thuốc được chọn để điều trị trường hợp kháng thuốc, mặc dù nguy cơ gây mất bạch cầu hạt tăng lên theo tuổi. Các thuốc tác dụng chậm được sử dụng một cách hạn chế, song cần thiết để dùng cho những bệnh nhân dai dẳng từ chối uống thuốc.

2.5. Mất trí trong bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một bệnh não thoái hóa nguyên phát căn nguyên chưa rõ, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi.
+ Nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán AD theo ICD – 10:
a/ Có biểu hiện mất trí.
b/ Khởi phát từ từ, suy thoái chậm.
c/ Không có bằng cứ về lâm sang và các xét nghiệm đặc hiệu cho thấy tình trạng tâm thần là do một bệnh não hoặc do một bệnh lý hệ thống gây nên.
d/ Không bắt đầu đột ngột, không có đột quỵ, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, xuất hiện sớm trong quá trình bệnh.
+ Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM – IV – TR – 2000:
A. Hình thành nhiều khiếm khuyết nhận thức được biểu hiện bằng cả hai triện chứng:
1 – Suy giảm trí nhớ (khả năng nắm bắt thông tin mới hoặc nhắc lại các thông tin cũ bị suy giảm).
2 – Có một (hoặc nhiều hơn) các rối loạn nhận thức sau đây:
a/ Mất ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ).
b/ Mất dùng động tác (tổn thương khả năng thực hiện các hoạt động vận động mặc dù chức năng vận động không bị tổn thương).
c/ Mất nhận thức (không thể nhận ra hay phân biệt các vật thể mặc dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn).
d/ Rối loạn các chức năng quản trị (ví dụ: lên kế hoạch, tổ chức, sắp đặt trình tự, suy nghĩ trừu tượng).
B. Các khiếm khuyết nhận thức trong các tiêu chuẩn A1 và A2, mỗi thứ gây nên suy giảm đáng kể việc thực hiện các chức năng xã hội và nghề nghiệp và đại diện cho sự suy giảm đáng kể mức độ thực hiện các chức năng trước đây.
C. Quá trình được đặc trưng bởi khởi phát chậm và suy giảm nhận thức dần dần.
D. Các khiếm khuyết nhận thức trong các tiêu chuẩn A1 và A2 không do bất kỳ nguyên nhân nào dưới đây:
1 – Các bệnh lý khác của hệ thống thần kinh trung ương gây nên khiếm khuyết tiến triển về trí nhớ và nhận thức.
2 – Các bệnh lý hệ thống được cho là nguyên nhân sa sút trí tuệ.
3 – Bệnh lý do các chất độc.
E. Các khiếm khuyết không xảy ra khi bệnh nhân mê sảng.
F. Rối loạn không được xem là tốt hơn với các rối loạn nhóm 1 ( ví dụ: rối loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt)

Liên hệ trị liệu các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi
ThS.Bs Đinh Hữu Uân 0913511475