Support Online
 
 
 

Đề tài nghiên cứu về bệnh động kinh cấp quốc gia


NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG
VÀ KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM TRÍ TUỆ WECHSLER
Ở BỆNH NHÂN ĐỘNG KINH CƠN LỚN

                               

                                                                   Chủ nhiệm đề tài ThS. Đinh Hữu Uân
 
Đặt vấn đề:
          Động kinh là một bệnh xuất hiện ngay từ khi có xã hội loài người. Bệnh động kinh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và các vùng địa lý khác nhau. Bệnh thường xuất hiện sớm ở trẻ em với tỷ lệ cao, 50 - 60% trường hợp động kinh xuất hiện trước tuổi 20 và có xu hướng tiến triển mãn tính. Trường hợp tiến triển xấu động kinh dẫn đến tình trạng mất trí.
          Biểu hiện lâm sàng của động kinh rất đa dạng và phức tạp, gồm những rối loạn đột ngột kịch phát các chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan, ý thức... Ngoài những biểu hiện rối loạn trong cơn, thì những rối loạn trước cơn, sau cơn và giữa cơn cũng phong phú. Đáng chú ý là những rối loạn tâm thần trong bệnh động kinh biểu hiện là các rối loạn về trí tuệ, cảm xúc, tư duy và nhân cách. Đó là do hậu quả của quá trình bệnh lý lâu dài gây nên. Vì vậy người bệnh động kinh thường giảm cơ hội hòa nhập, thiếu tự tin, hay lo lắng, thất vọng và điều quan trọng nhất là mặc cảm tự ty về bệnh tật của mình nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
          Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (1993), tỷ lệ bệnh động kinh chiếm 0,5 - 1% dân số.
          Đã có nhiều công trình nghiên cứu về trắc nghiệm tâm lý ở bệnh nhân động kinh. Kết quả cho thấy bệnh nhân động kinh có nhân cách dễ bùng nổ, tư duy lai nhai, định kiến, trí nhớ giảm.
          Về mặt trí tuệ, đã có nhiều tác giả nước ngoài nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào đầy đủ và khái quát. Để góp phần vào nghiên cứu và làm sáng tỏ vấn đề trí tuệ ở bệnh nhân động kinh cơn lớn, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và kết quả trắc nghiệm trí tuệ Wechsler ở bệnh nhân động kinh cơn lớn” với các mục tiêu sau:
          1. Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân động kinh cơn lớn.
          2. Khảo sát IQ lời, IQ việc, IQ toàn bộ của bệnh nhân động kinh cơn lớn bằng trắc nghiệm trí tuệ Wechsler.
          3. Tìm hiểu mối liên quan giữa chỉ số trí tuệ với một số đặc điểm lâm sàng của bệnh.
 
Chương I
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Một số khái niệm về bệnh động kinh.
1.1.1. Động kinh.
          Động kinh là những rối loạn kích phát các chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan, tâm thần, có hoặc không mất ý thức từng cơ ngắn vài giây đến vài phút, có tính chất định hình, khuynh hướng chu kỳ lan tỏa cùng với hiện tượng phóng điện quá mức của các neuron vỏ não.
1.1.2. Bệnh động kinh.
          Những cơn động kinh tái diễn nhiều lần, biểu hiện một bệnh lý mạn tính, tiến triển hoặc không, căn nguyên chưa rõ ràng, đôi khi mang tính chất gia đình.
1.1.3. Trạng thái động kinh cơn lớn.
          Là một trạng thái, trong đó các cơn động kinh xảy ra liên tiếp, cơn này tiếp cơn khác. Giữa các cơn bệnh nhân trong trạng thái hôn mê, kèm theo rối loạn thần kinh thực vật, tăng tiết nhiều đờm dãi.
 
1.2. Một số nghiên cứu về bệnh nguyên bệnh sinh của động kinh.
1.2.1. Nguyên nhân của động kinh.
          + Động kinh không rõ nguyên nhân.
          - Động kinh căn nguyên ẩn, biểu hiện nguyên nhân được che giấu khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng không thấy tổn thương ở não. Động kinh căn nguyên ẩn chiếm 60,5% và hay gặp ở trẻ em.
          - Động kinh nguyên phát: cơn động kinh xảy ra mà không có tổn thương khu trú não. Tỷ lệ gặp động kinh nguyên phát là 28,4%.
          - Động kinh có nguyên nhân (động kinh triệu chứng). Là do các tổn thương ở não đã cố định hoặc tiến triển, gây xuất hiện cơn động kinh trên lâm sàng hay trên điện não đồ.
1.2.2. Cơ chế bệnh sinh của động kinh.
          Cơ chế bệnh sinh của động kinh đã và đang được làm sáng tỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ cơ chế bệnh sinh của động kinh và còn nhiều những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Hiện nay có nhiều giả thuyết giải thích về cơ chế bệnh sinh của động kinh nhưng đáng chú ý nhất là giả thuyết giảm hoạt động của GABA.
          Gamma aminobutyric acid (GABA) là một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ức chế chủ yếu của hệ thần kinh. GABA có tác dụng lên tế bào bìa ở vỏ não, tăng ngưỡng chịu kích thích của các neuron vỏ não, đồng thời kiểm soát tính thấm của tế bào với ion Cl-, Na+, K+, tăng phân cực màng tế bào. Các yếu tố làm giảm chất GABA hoặc làm ức chế cơ quan cảm nhận GABA sẽ gây nên cơn động kinh. Trong thực tế lâm sàng, Valproic acid có tác dụng làm giảm chuyển hóa GABA, do đó làm tăng nồng độ GABA trong hệ thần kinh trung ương nên có tác dụng chống động kinh.
 
1.3. Trí tuệ.
1.3.1.. Khái niệm về trí tuệ.
          Trí tuệ là một khái niệm được sử dụng nhiều trong tâm lý học và tâm thần học.
          Trong Tâm lý học, có rất nhiều quan điểm khác nhau về trí tuệ. Có quan điểm coi trí tuệ là năng lực học tập, có quan niệm coi trí tuệ là năng lực thích ứng, có quan niệm cho rằng trí tuệ là một cấu trúc động, tương đối độc lập của các thuộc tính nhận thức. Nó được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện văn hóa, lịch sử qui định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại cho phù hợp với hiện thực cuộc sống.
          Trong Tâm thần học, trí tuệ được coi là hoạt động nhận thức của con người, bao gồm các kinh nghiệm thu thập được, các năng lực tiếp thu cái mới và áp dụng nó vào thực tiễn.
          David Wechsler là trường ngành Tâm lý của bệnh viện Bellevue và là giáo sư Tâm lý học lâm sàng của trường Đại học Y khoa New York. Ông cho rằng: trí tuệ là một tổng thể các đơn vị chức năng trí tuệ, các chức năng này khác nhau và có thể đo được. Từ quan điểm này, Wechsler đã xây dựng các bộ trắc nghiệm trí tuệ khác nhau trong đó có bộ WAIS (Wechsler Adult intelligence Scale). Bộ test này dùng cho người từ 16 tuổi trở lên và đang được một số Bệnh viên Tâm thần sử dụng như: Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viên Tâm thần Trung ương I... để khảo sát IQ của bệnh nhân.
          Cấu trúc của bộ test WAIS gồm hai phần: Phần lời gồm có 6 tiểu nghiệm, đánh giá khả năng thu thập và lưu giữ thông tin. Phần việc gồm 5 tiểu nghiệm, đánh giá khả năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề.
1.3.2. Phương pháp đo trí tuệ Wechsler.
          Mỗi bệnh nhân được làm lần lượt 11 tiểu nghiệm, kết quả được ghi trên một phiếu riêng. Điểm thô được ghi cụ thể cho từng tiểu nghiệm, qui đổi các điểm thô của từng tiểu nghiệm thành điểm chuẩn chung và điểm chuẩn theo từng nhóm tuổi. Căn cứ vào điểm chuẩn tra bảng tính IQ phần lời và IQ phần việc ta có được IQ chung của đối tượng nghiên cứu.
 
1.4. Một số nghiên cứu về đặc điểm trí tuệ của bệnh nhân động kinh.
          Từ đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có một sự kết hợp giữa khả năng nhận thức, chức năng trí tuệ và động kinh. Bệnh nhân động kinh được coi là những người có biểu hiện suy giảm nhận thức khi so sánh với những người khỏe mạnh cùng lứa tuổi và cùng trình độ giáo dục. Nhưng phần lớn bệnh nhân động kinh có nhận thức trong giới hạn bình thường và một vài trường hợp có khả năng nhận thức rất tốt. Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng xấu đến nhận thức trong quá trình bệnh lý động kinh. Những rối loạn chức năng tâm lý trong động kinh không chỉ thể hiện trong cơn dưới dạng rối loạn ý thức, cảm xúc, hành vi… mà còn thể hiện cả ở thời kỳ ngoài cơn. Sự liên quan giữa động kinh và mức độ phát triển tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân, loại động kinh, tuổi khởi phát, tần xuất cơn và thời gian mang bệnh.
          Theo Yucus C.J. Tranel D. (2007), đã khảo sát mối tương quan giữa IQ với tuổi khởi phát bệnh trên 23 trẻ em động kinh thùy thái dương. Kết quả cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ, thuận chiều giữa tuổi khởi phát bệnh và IQ, r = 0,569.
          Theo Hồ Hữu Lương (2000), 30% bệnh nhân động kinh có IQ dưới 80. Theo Ngô Ngọc Tân, Nguyễn Văn Ngân (2005), rối loạn trí tuệ không phải là triệu chứng thường gặp trong bệnh động kinh. Các rối loạn trí tuệ hay gặp ở những bệnh nhân động kinh có thời gian mắc bệnh lâu, tổn thương thực thể ở não. Trẻ mắc bệnh càng sớm thì mức độ rối loạn trí tuệ càng nặng nề.
          Theo nghiên cứu của nhiều tác giả thì tỷ lệ thiểu năng tâm trí ở bệnh nhân động kinh là 36%, trong đó có 14% ở mức độ nặng và trung bình, 22% ở mức độ nhẹ. Tỷ lệ này cao hơn ở những bệnh nhân động kinh triệu chứng, bệnh nhân mắc bệnh ở lứa tuổi nhỏ, cơn động kinh xuất hiện dầy.
          Nghiên cứu trí tuệ ở 61 bệnh nhân động kinh từ 6 - 15 tuổi bằng trắc nghiệm trí tuệ Gille, Phan Việt Nga (2002) thấy rằng: 31,15% có IQ ở mức ranh giới, 19,7% chậm phát triển trí tuệ.
          Cao Tiến Đức (1994) khảo sát trí tuệ ở 37 bệnh nhân động kinh thấy IQ ở nhóm động kinh toàn thể là 91,3 trong khi IQ của nhóm động kinh cục bộ là 82,4.
          Động kinh là một bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính. Trường hợp tiến triển xấu, động kinh có thể dẫn đến tình trạng mất trí.
 
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu.
          Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi gồm 61 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là động kinh cơn lớn, đang được điều trị nội trú và ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và Bệnh viện Tâm thần Nam Định từ tháng 5 năm 2006 đến tháng 8 năm 2007.
2.2. Phương pháp nghiên cứu.
          Các bệnh nhân được tiến hành nghiên cứu theo phương pháp tiến cứu cắt ngang.
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu lâm sàng.
          - Khám đầy đủ theo trình tự các phần mẫu bệnh án nghiên cứu.
          - Kết hợp các tư liệu sẵn có ở cơ sở điều trị như bệnh án, các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, điện não đồ.
          - Nghiên cứu tiến cứu thông qua hỏi bệnh và thăm khám hàng ngày.
          - Kết hợp hồi cứu để khai thác tiền sử và diễn biến bệnh ở giai đoạn trước khi bị bệnh, thông qua việc phỏng vấn người thân và trực tiếp người bệnh.
2.2.2. Phương pháp tiến hành trắc nghiệm trí tuệ Wechsler.
2.2.2.1. Chuẩn bị dụng cụ và bệnh nhân.
          - Các bệnh nhân được làm test ngay khi vào viện hoặc được mời đến trong trường hợp điều trị ngoại trú.
          - Giải thích cho đối tượng nghiên cứu, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của trắc nghiệm để bệnh nhân hợp tác trong quá trình làm test.
          - Dụng cụ: bộ test WAIS, đồng hồ bấm giây.
          - Thời gian tiến hành làm test cho mỗi bệnh nhân khoảng 90 - 120 phút. Giữa buổi có giải lao để tránh mệt mỏi.
2.2.2.2. Kỹ thuật tiến hành trắc nghiệm và đánh giá kết quả.
          Bệnh nhân được làm lần lượt 11 tiểu nghiệm của bộ test WAIS đã được
chuẩn hóa tại Việt Nam.
2.2.2.3. Đánh giá kết quả.
          Kết quả làm test của mỗi bệnh nhân được ghi trên một phiếu riêng, ghi điểm thô cụ thể cho từng tiểu nghiệm, qui đổi các điểm thô của các tiểu nghiệm thành điểm chung và điểm chuẩn theo từng nhóm tuổi.
          Căn cứ vào điểm chuẩn, tra bảng tính IQ phần lời và IQ phần việc ta có được IQ chung của từng đối tượng nghiên cứu.
 
 
Bảng 2.1. Phân bố dân số theo chỉ số IQ của Wechsler (1981)
 
IQMức độTỷ lệ phân bố %
≥130Rất thông minh2,2
120-129Thông minh6,7
110-119Trung bình trên16,1
90-109Trung bình50,0
80-89Trung bình dưới16,1
70-79Ranh giới6,7
<70Chậm phát triển2,2
 
Bảng 2.2. Chỉ số IQ và mức độ chậm phát triển tâm thần (theo ICD - 10)
 
Mã sốChậm phát triển tâm thầnIQ
F70Mức độ nhẹ50-69
F71Mức độ vừa35-49
F72Mức độ nặng20-34
F73Mức độ trầm trọng<20
 
2.3. Phương pháp xử lý số liệu.
          Số liệu được xử lý trên chương trình EPIINPO 6.0
 
Chương 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
3.1. Một số đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
Bảng 3.1. Tuổi khởi phát bệnh.
 
STT           Bệnh nhân
Tuổi
nTỷ lệ (%)p
1≤511,64p2&1,3,4,5<0,05
26-103557,38
311-151829,50
416-2069,64
5>2011,64
Cộng61100,00 
          Bảng 3.1. cho thấy ở nhóm bệnh nhân có tuổi khởi phát ≤5 và >20 tuổi có tỷ lệ thấp nhất, chiếm 1,64%, nhóm bệnh nhân có tuổi khởi phát từ 6 - 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 57,38%. Sự khác biệt về tỷ lệ bệnh nhân có tuổi khởi phát từ 6 - 10 tuổi so với lứa tuổi khởi phát khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
          Theo Nguyễn Xuân Thân (2003), có khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi. Theo Nguyễn Văn Chương (2005), tuổi mắc bệnh động kinh rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng các nghiên cứu về động kinh nói chung cho thấy tỷ lệ động kinh ở trẻ em rất cao khoảng 50,5% xuất hiện trước 10 tuổi. Phan Việt Nga (2002) động kinh có tuổi khởi phát trước 15 tuổi chiếm tỷ lệ 61,22%.
          Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các kết quả nghiên cứu trên.
Bảng 3.2. Thời gian mang bệnh
 
STT           Bệnh nhân
Thời gian (năm)
nTỷ lệ (%)p
1≤546,56p1&5<0,01
26-10914,75p2&5<0,01
311-151016,39p3&5<0,01
416-2058,20p<0,01
5>203354,10
Cộng61100,00 
 
          Bảng 3.2 cho thấy: bệnh nhân động kinh có thời gian mang bệnh >20 năm chiếm tỷ lệ cao nhất. Động kinh là bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính, thời gian điều trị kéo dài và phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Nguyên nhân mang bệnh kéo dài của bệnh nhân động kinh trong nghiên cứu của chúng tôi là do bệnh nhân dùng thuốc kháng động kinh không đều.
 
Bảng 3.3. Các yếu tố liên quan đến phát động cơn động kinh
 
                      Bệnh nhân
Các yếu tố
nTỷ lệ (%)
Có yếu tố phát động914,76
Thay đổi thời tiết11,64
Mệt mỏi cơ thể23,28
Chu kỳ kinh nguyệt23,28
Uống rượu, bia46,56
Cơn xảy ra tự nhiên5285,24
Cộng61100,00
 
          Bảng 3.3 cho thấy: cơn động kinh xuất hiện sau các yếu tố phát động chiếm 14,76%. Theo Hồ Hữu Lương (2003) có khoảng 15% bệnh nhân động kinh có các yếu tố liên quan đến sự xuất hiện cơn.
          Khi nắm bắt được đặc điểm này, người thầy thuốc có trách nhiệm cảnh báo cho bệnh nhân động kinh biết những yếu tố bất lợi trong sinh hoạt như: tuyệt đối không dùng rượu, bia, các chất kích thích khác, tránh làm việc quá sức, tránh căng thẳng về tâm lý. Để người bệnh chủ động phòng tránh yếu tố bất lợi đó.
Bảng 3.4. Thời điểm xuất hiện cơn động kinh trong ngày
 
                      Bệnh nhân
Thời điểm
nTỷ lệ (%)
Ban ngày711,48
Ban đêm3863,30
Bất kỳ1626,22
Cộng61100,00
 
          Bảng 3.4 cho thấy: thời điểm xuất hiện cơn động kinh hay xảy ra vào ban đêm, chiếm tỷ lệ 62,30%. Theo Hồ Hữu Lương (2003), thời điểm xuất hiện cơ động kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng cơn hay xảy ra vào ban đêm hoặc gần sáng. Khi biết được đặc điểm về thời điểm xuất hiện cơn động kinh có ý nghĩa rất quan trọng trong phân công công việc cho bệnh nhân. Không nên cho bệnh nhân làm việc ca đêm, để phòng tránh những tai nạn có thể xảy ra cho người bệnh.
 
3.2. Kết quả trắc nghiệm trí tuệ Wechsler.
Bảng 3.5. Phân bố mức trí tuệ trong nhóm nghiên cứu.
 
                      Bệnh nhân
IQ
nTỷ lệ (%)
<110 (trên trung bình)11,64
90-109 (trung bình)1829,51
80- 89 (trung bình dưới)2032,78
70-79 (ranh giới)1219,76
<70 (chậm phát triển)1016,40
Cộng61100,00
 
Bảng 3.6. Phân bố IQ trung bình của cả nhóm
 
                    Mức độ
IQ
Thấp nhất - Cao nhấtTrung bình
IQ lời69 - 11486,9 ± 11,2
IQ việc60 - 11480,8 ± 12,1
IQ toàn bộ66 - 11582,9 ± 11,1
 
Bảng 3.7. Liên quan giữa IQ với tuổi khởi phát
 
                    Mức độ
IQ
6 - 10
(n = 36)
11- 15
(n = 36)
≥ 16
(n = 7)
r
IQ lời84,3 ± 11,089,1 ± 9,787,5 ± 17,9r = 0,44
IQ việc80,2 ± 14,980,6 ± 8,684,7 ± 20,7r = 0,39
IQ toàn bộ81,6 ± 13,183,9 ± 7,986,3 ± 19,6r = 0,43
          Bảng 3.7 cho thấy: có sự tương quan chặt chẽ thuận chiều giữa IQ và tuổi khởi phát bệnh. Bệnh nhân động kinh có tuổi khởi phát bệnh sớm thì IQ thấp.
          Bảng 3.8. Liên quan giữa IQ với thời gian bị bệnh
 
             Thời gian (năm)
IQ
< 10
(n = 9)
10 - 20
(n = 19)
> 20
(n = 33)
r
IQ lời93,3 ± 8,584,1 ± 11,083,2 ± 11,8r = - 0,41
IQ việc81,9 ± 11,180,6 ± 8,671,8 ± 12,9r = - 0,40
IQ toàn bộ86,3 ± 8,883,9 ± 7,976,6 ± 12,4r = - 0,45
 
          Bảng 3.8 cho thấy: có sự tương quan chặt chẽ nghịch chiều giữa IQ với thời gian bị bệnh. Bệnh nhân động kinh có thời gian bị bệnh dài thì IQ thấp.
 
KẾT LUẬN
          Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và khảo sát IQ bằng trắc nghiệm trí tuệ Wechsler trên 61 bệnh nhân động kinh cơn lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và Bệnh viện Tâm thần Nam Định từ 05/2006 - 08/2007, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1. Một số đặc điểm lâm sàng của động kinh cơn lớn.
          - Tuổi khởi phát bệnh từ 6 - 10 chiếm tỷ lệ 57,38%.
          - Thời gian mang bệnh > 20năm có tỷ lệ 54,10%
          - Các yếu tố liên quan phát động cơn động kinh là 14,76%.
          - Thời điểm xuất hiện cơn động kinh vào ban đêm là 62,30%.
2. Kết quả trắc nghiệm trí tuệ Wechsler.
          - IQ trung bình của nhóm là 82,9 ± 11,1.
3. Mối liên quan về trí tuệ với một số đặc điểm lâm sàng của bệnh.
          - Có sự tương quan chặt chẽ, thuận chiều giữa tuổi khởi phát bệnh và IQ. Bệnh nhân động kinh có tuổi khởi phát sớm thì IQ thấp. Hệ số tương quan r = 0,43.
          - Có sự tương quan chặt chẽ, nghịch chiều giữa IQ và thời gian bị bệnh. Bệnh nhân động kinh có thời gian bị bệnh dài thì IQ thấp. Hệ số tương quan   r = - 0,45.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT.
1. Trần Di Ái, Nguyễn Sỹ Long và cộng sự (1991), Tương quan giữa thương trí qua bộ test Wechsler (WAIS) với kết quả học tập ở một quần thể sinh viên y khoa, Kỷ yếu công trình khoa học, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, tr.32-38.
          2. Trần Thị Bình An (2005), “Quá trình biên dịch, chỉnh lý và thể nghiệm test WAIS cho người lớn tại Viện sức khỏe tâm thần”, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Hội Tâm thần học Việt Nam - chuyên đề tâm thần học, (số 8), NXB Y học, tr.10 -14.
          3. Đinh Văn Bền (2002), Điện não đồ ứng dụng trong lâm sàng và thực hành, NXB Y học, Hà Nội.
          4. Lê Quang Cường (2005), Động kinh, NXB Y học, Hà Nội.
          5. Nguyễn Văn Chương (2005), “Động kinh”, Thực hành lâm sàng thần kinh học, NXB Y học, tr.108 -135.
          6. Cao Tiến Đức (1994), Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng ở 296 bệnh nhân động kinh, Luận văn Tiến sĩ y học, Học viện Quân y, Hà Nội.
7. Ngô Công Hoàn (1997), Những trắc nghiệm tâm lý, tập I, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
          8. Đặng Phương Kiệt (2001), “Đánh giá trí lực”, Cơ sở tâm lý học ứng dụng, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.527-548.
          9. Hồ Hữu Lương (2002), Động Kinh, Lâm sàng thần kinh tập 4, NXB Y học, Hà Nội.
          10. Phan Việt Nga (2002), Nghiên cứu chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị động kinh toàn thể ở trẻ em (từ 6 - 15 tuổi), Luận án tiến sĩ y học, Học viện Quân y, Hà Nội.
          11. Nguyễn Văn Ngân (2003), “Rối loạn trí tuệ”, Tâm thần học đại cương và điều trị các bệnh tâm thần, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.189-192.
          12. Nguyễn Văn Nhận, Nguyễn Sinh Phúc, Nguyễn Bá Dương (1998), Tâm lý y học, NXB Y học.
          13. Nguyễn Xuân Thản (2003), “Bệnh động kinh”, Bệnh học thần kinh, NXB Quân đội nhân dân, tr.432-454.
          14. Phạm Đức Thịnh (2003), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và điện não đồ ở bệnh nhân rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não giai đoạn muộn, Luận án Tiến sĩ y học, Học viện Quân y.
 
TIẾNG ANH.
          15. Caplan R., Arbelle S., Magharious W. et al (1998), “Psychopathology in pediatric complex partial and primary generalized epilepsy”, Dev Med Child Neurol, 40 (12), pp. 805-813.
          16. Dalmagro C.L., Bianchin M.M., Velasco T.R. et al (2005), “Clinical features of patients with posterior cortex epilepsies and predictors of surgical outcome”, Epilepsy, 46(9), pp.8-11.
          17. Kaplan H.I., Sadock B.J., Grebb J.A. (1994), “Psychological Testing of Intelligence and Personality”, Comprehensive texbook of psychiatry, volume 1, the 5th edition, pp.221-223.
          18. Spencer S.S., Spencer D.D., Sass K. et al (1993), “Anterior, total, and two-stage corpus callosum section: differential and incremental seizure responeses”, Epilepsy, 46(2), 2 pp.94-98.
          19. Thompson P.J., Duncan J.S. (2005), “Cognitiv decline in severe intractable epilepsy”, Epilepsy, 46(11), pp.1780-1789.